Bạn thường bắt đầu giờ học của mình như thế nào? Bạn đứng trước lớp và khép hai chân hình chữ V, tay trái đặt lên long bàn tay phải, nở một nụ cười và bắt đầu một bài giảng theo cách thông thường với cách đặt vấn đề theo cách của bạn. Đúng, bạn chẳng có gì sai cả, và điều bạn làm là đúng. Nhưng tôi nghĩ rằng, điều đó còn chưa đủ, vì chặng hành trình của công việc học tập này còn phải hướng đến một đối tượng quan trọng khác là học sinh. Khi bạn làm như vậy, bạn giới thiệu bài học theo logic của bạn, nhưng học sinh thì không cảm nhận được điều đó. Chúng cảm thấy chán nản ngay từ những giây phút đầu tiên, hoặc có nhiều học sinh không dám phản ứng và tỏ thái độ nhưng tâm trí chúng thì đã vượt ra ngoài không gian lớp học để ngao du đến một miền tưởng tượng nào xa lắm. Và thế là, mặc dù học sinh có mặt cùng chúng ta trong lớp học nhưng chúng không hề “hiện diện trọn vẹn” rằng “thân thể ở trong lao nhưng mà tinh thần ở ngoài lao”. Và chẳng nói thì thầy cô cũng hiểu rằng, việc học chỉ là cuộc đối thoại nhàm tẻ giữa giáo viên và chính họ, đó là một cuộc đối thoại nội tâm, là một chương trình phát thanh mà khán giả chẳng muốn để tâm.
Hoạt động khởi động xuất hiện trong giáo án của các thầy cô chính là vì những lí do như vậy đó.